< Sách cũ, còn tốt và là sách gốc từ nhà xuất bản. Sách được chọn ngẫu nhiên trong kho , bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng của REBO >
Chữ A Màu Đỏ
Chữ A màu đỏ, tiểu thuyết của Nathaniel Hawthorne, xuất bản năm 1850, đã được nhiều nhà phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của nền văn học thế giới.
Câu chuyện xảy ra ở Boston, thủ phủ ban Massachusettes (thuộc New England vùng đông bắc nước Mỹ) trong những năm 1640, vào một thời mà xã hội vùng này bị giam hãm trong vòng luật lệ và giáo lý nghiệt ngã của nhà thờ Thanh giáo.
Một người phụ nữ tên là Hester Prynne, vì một đứa con hoang, đã bị kết án bêu trên bục tội nhân ba tiếng đồng hồ trước công chúng và chịu hình phạt mang một chữ A màu đỏ cài trên ngực cho đến hết đời. Chữ A màu đỏ là dấu sỉ nhục về tội ngoại tình (chữ A là chữ đầu của từ Adultery: tội ngoại tình).
Không ai ngờ được rằng, người bố của đứa con hoang ấy lại là người đảm nhiệm phần hồn của Hester Prynne, mục sư Arthur Dimmesdale, một giáo sĩ trẻ đầy tài năng, được con chiên ngưỡng mộ như một vị thiên thần.
Hester Prynne chịu đựng nỗi nhục nhã đau đớn. Còn Arthur Dimmesdale, bị sự dày vò khủng khiếp của lòng hối hận, ngày một gầy mòn xanh xao. Thế nhưng, quần chúng không hề hay biết gì cả, vẫn sùng kính anh như một vị thánh sống.
Giữa lúc đó, xuất hiện thêm một nhân vật, hình thành đủ bộ ba trong diễn biến xung đột của câu chuyện. Đó là chồng của Hester, một con người tuổi đã xế chiều, khô lạnh, dị dạng, mà Hester không hề yêu. Lão đã sống cuộc đời lang bạt, nay vừa đến đây thì thấy vợ trên cái bục ô nhục. Lão bắt đầu một cuộc săn tìm kẻ tình địch để báo thù. Buộc vợ thề không bao giờ lộ tung tích của lão ra. Lão đội cái tên giả Roger Chillingworth, xuất hiện giữa cộng đồng Thanh giáo Boston với danh nghĩa là một thầy thuốc.
Những trích dẫn tiêu biểu:
“Bé Pearl! “Pearl” – “Hạt ngọc trai” – chị đặt tên con vậy đó; không phải là dùng hình ảnh so sánh để diễn tả cái vẻ bên ngoài của bé, bởi vẻ ngoài của nó không có gì giống với nước bóng êm dịu, trắng nhợt và thiếu rực rỡ của ngọc trai. Mà chị gọi bé là “Hạt ngọc trai” bởi vì sự ra đời của bé đã phải trả giá rất đắt – trả giá bằng tất cả mọi thứ mà chị có – bởi vì bé là kho báu duy nhất của chị.”
“Loài người đã đóng dấu ghi tội người đàn bà này bằng một chữ A màu đỏ, cái dấu hiệu ô nhục đã có một tác dụng hiệu nghiệm và tai hại đến mức chị không thể nhận được một sự thông cảm nào của người trần, trừ sự thông cảm của mấy kẻ cũng tội lỗi như chị. Còn Chúa thì sao? Chúa đã ban cho chị một đứa con, coi đó là hậu quả trực tiếp của lỗi lầm mà con người đã trừng phạt, một đứa con xinh đẹp đáng yêu, ôm ấp giữa chính bộ ngực mang dấu nhơ nhuốc đó, để mãi mãi nối liền mẹ nó với nòi giống và các thế hệ của người trần, và để cuối cùng sẽ là một linh hồn được ban phước trên thiên giới.”
“Chúa đã cho tôi đứa con này. Chúa đã cho tôi đứa bé để đền bù lại tất cả mọi thứ khác mà các ngài đã tước bỏ của tôi. Nó là hạnh phúc của tôi. Tuy nhiên, nó lại là nỗi giày vò hành hạ tôi! Pearl giữ cho tôi còn sống được trên đời. Nhưng Pearl cũng trừng phạt tôi nữa. Các ngài có thấy không, nó chính là chữ A màu đỏ, mà tôi chỉ có thể yêu thôi, không sao khác được, và bởi vậy nó là một chữ A màu đỏ được phú cho uy lực trừng phạt.”
“Hester không bao giờ vin vào một danh nghĩa gì dù là khiêm nhường nhất để đòi được dự phần vào những đặc quyền của xã hội – ngoài cái quyền được hít thở bầu không khí chung và cái quyền được kiếm miếng ăn hàng ngày cho bé Pearl và cho bản thân chị bằng sức lao động chính đáng của mình – thì chị lại rất nhanh nhạy thừa nhận tình nghĩa chị em ruột rà với loài người bất cứ khi nào có kẻ cần được giúp đỡ.
Không ai sẵn lòng bằng chị trong việc bớt ra một phần trong số của cải ít ỏi của mình để cứu trợ cho một nhu cầu quẫn bách của kẻ bần cùng, dù rằng con người nghèo đói mang nặng trong tim nỗi đắng cay có khi lại buông lời chế giễu đáp lại công ơn chị mang miếng ăn đến cửa nhà họ đều đặn hàng ngày hoặc khâu vá quần áo cho họ bằng đôi bàn tay xứng đáng dành cho công việc thêu thùa những tấm áo bào vương giả. Không ai tận tụy quên mình bằng chị khi bệnh dịch hoành hành trong thành phố.”
“Chưa bao giờ có một ánh sáng huy hoàng nào lại quý báu bằng cái ánh mờ ảm đạm của khu rừng u sầu này. Ở đây chỉ có mắt anh nhìn thấy, chữ A màu đỏ không làm cháy bỏng ngực người đàn bà sa ngã! Ở đây chỉ có mắt chị nhìn thấy, Arthur Dimmesdale, vai kịch giả dối với Chúa và với con người, có thể sống thực thà trong một thời gian ngắn.”
“Tống khứ cái dấu sỉ nhục ấy đi rồi, Hester buông một tiếng thở dài thăm thẳm, trút toàn bộ gánh nặng tủi hổ và đau đớn ra khỏi tâm hồn chị. Ôi sao mà nhẹ nhõm tuyệt vời! Cho tới lúc này cảm thấy được giải thoát, chị mới nhận thức rõ gánh tai ương ấy lâu nay đè nặng đến thế nào!”
Nhận xét của tác giả khác:
Henry James từng viết: “Tác phẩm đẹp, đáng ngưỡng mộ, phi thường, nó có thể được xem là đỉnh cao đánh dấu những tác phẩm vĩ đại nhất của Hawthorne – sự tinh khiết không định nghĩa được, và sự nhẹ nhàng trong khái niệm, nó mang một vẻ duyên dáng vô tận và một niềm bí ẩn đối với các tác phẩm nghệ thuật.”
----------
“Đây là một trong số những câu chuyện nghiệt ngã nhất về số phận của người phụ nữ mà tôi đã từng được biết. Tôi đã đọc cuốn sách với tâm trạng bế tắc, đau đớn, hận thù và hoàn toàn bất lực.”
----------
“Tác phẩm ca ngợi tấm lòng nồng hậu, nhân đạo của con người, cuộc sống trong sáng của người phụ nữ đau khổ đã dần làm cho người đời có cảm tình với chị... Chữ A màu đỏ dần chỉ là dấu vết của quá khứ lùi xa về phía sau, biến thành biểu tượng của sự tích cực, của lòng thương người, của nguồn an ủi.”